ĐỆM ĐÀN TRONG NHÀ THỜ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
Giữa cuộc đời thường nhật với bao nỗi bận tâm lo lắng chuyện cơm áo bạc tiền, con người thời nay gặp nhiều ray rứt băn khoăn, sóng gió, ồn ào và bon chen. Điều đó dễ khiến cho người ta trở nên chai lì và ít cảm nghiệm được những gì là tinh vi, tế nhị, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật và nói
riêng Thánh Nhạc Phụng vụ.
Nếu rảo bước qua các nhà thờ trong Giáo phận vào các giờ lễ, chắc chắn nhiều người sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Đúng là chuyện đàn hát trong nhà thờ còn có quá nhiều điều để nói … Nhưng người viết không dám góp ý bàn về tất cả, mà chỉ xin bàn riêng về vấn đề đệm đàn trong nhà thờ qua mấy
điểm sau đây :
- Đệm đàn các bài Thánh ca bằng trống phách nhịp điệu trong Thánh lễ có được không ?
- Phải đệm đàn như thế nào mới đúng với đòi hỏi của Thánh nhạc phụng vụ ?
- Tại sao có nhiều và rất nhiều bài Thánh ca không có Bản đệm đàn (Bđđ) ?
1. Đệm đàn các bài Thánh ca bằng trống phách nhịp điệu trong Thánh lễ có
được không?
Theo thiển ý, nếu chơi đàn theo trống phách nhịp điệu thì phải đàn theo công thức. Theo công thức thì tiếng là tiện và tương đối dễ như “mì ăn liền” nhưng tầm thường. Tầm thường thì không xứng với Thánh nhạc, vì Thánh nhạc luôn đòi hỏi phải có một hình thức tốt đẹp và hoàn hảo (Bonitasformae). Như vậy, thiết tưởng không nên dùng trống phách nhịp điệu, dù là chơi “nhẹ nhẹ thôi”, cũng như không nên sử dụng các nút điệu của đàn organ điện tử như thông cáo số 1/94 của HĐGMVN đã nói; ấy là chưa kể đến khía cạnh tiêu cực của nhịp điệu tác động lên thân xác con người như thế nào. Tuy nhiên, trong thông cáo cũng cho rằng có thể dùng các nút điệu của đàn organ điện tử trong các buổi tập hát để giúp cho ca đoàn giữ vững nhịp.
Gần đây, một vài nơi có mở các lớp học đàn gọi là “ĐỆM ĐÀN NHÀ THỜ”, với đủ các kiểu khuyến mãi như giảm giá bao nhiêu phần trăm cho người có giấy giới thiệu của cha sở, hoặc miễn phí cho những tu sĩ, rồi còn có cả những khoá học cấp tốc !… Khi tìm hiểu thì thấy rằng ở đó, người ta chỉ dạy cách sử dụng nhịp điệu bằng các nút tự động trên đàn organ điện tử hoặc bằng phím đàn rất sơ sài với vài hình thức trải dấu, rập dấu … Các nữ tu đến học các lớp này rất đông, và rồi cứ vậy đem về áp dụng trong các tu viện và các họ đạo mà không ai có ý kiến hay nhận xét gì.
Nhân tiện cũng xin nói về cây Dương cầm (Piano). Dương cầm là nhạc cụ phát ra tiếng nhạc bằng chiếc búa nỉ bổ vào dây kim khí, nên âm thanh của chúng không thể giữ lâu được như đàn organ. Vì thế, khi dùng đàn piano để đệm theo tiếng hát, người ta thường chỉ có hai kiểu chơi thích hợp nhất, đó là trải dấu và công thức nhịp điệu bằng những hợp âm rập dấu. Cả hai kiểu đều phải dùng đến cái gọi là công thức, nên không thích hợp để dùng trong nhà thờ theo đòi hỏi của Thánh nhạc chân chính..
0 nhận xét:
Đăng nhận xét