C) Tính cách nghệ thuật của âm nhạc trong phụng vụ :
Ở bài trước, chúng tôi đã đề cập đến một số vấn đề về đàn hát trong phụng vụ, và chúng tôi tiếp tục trong bài này.
Người soạn nhạc phải biết soạn làm sao cho có nghệ thuật, đó
là một đòi hỏi đương nhiên, nhưng nghệ thuật trong PV là một nghệ thuật vị nhân
sinh, nghệ thuật để phục vụ con người hiện diện trong buổi cử hành phụng vụ. Nó
không còn đứng tự lập, mà chỉ có giá trị thực sự khi nó có khả năng hoàn thành
phận vụ nghi thức và mục vụ mà PV dành cho nó (xem Jos. Gelineau : Les
applications du "munus" de la musique dans la liturgie, trích lại từ
Maison-Dieu 108 trang 44).
Để cho khả năng hoàn thành phận vụ đó trở thành hiện thực,
âm nhạc nhất thiết cần đến những người thể hiện nó một cách nghệ thuật. Cho nên
việc thể hiện cho có nghệ thuật là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết : Hát tự
nó chưa phải là cầu nguyện 2 lần. Muốn cầu nguyện gấp đôi bình thường thì cần
phải hát hay, tức hát có nghệ thuật. Nhưng thế naò là hát hay, đàn hay?
1- Muốn hát hay, đàn hay, trước hết phải biết chọn bài hay.
Đây chủ yếu là trách nhiệm của Ca trưởng mà chúng tôi sẽ trình bày trong một
bài khác, sẽ đưa ra một số tiêu chuẩn chọn bài...
2- Giọng hát, tiếng đàn "khả quan" :
a. Người hát có chất giọng tốt do trời cho hay do luyện tập.
Ca đoàn do có điều kiện chọn lựa ca viên, và thì giờ tập luyện nhiều, nên các
ca viên phải có giọng hát trên mức trung bình, có một số kỷ năng thanh nhạc tối
thiểu nào đó. Một giọng hát tốt, có năng lực góp phần làm cho việc thể hiện
thêm nghệ thuật. Cộng đoàn dân Chúa đa hợp, phức tạp, không thể đòi hỏi họ như
ca đoàn được. Cho nên chọn bài hát cho cộng đoàn, nên chọn bài đơn giản về tầm
tiếng cũng như giai điệu và tiết tấu.
b. Người đàn cần đạt tới một trình độ điêu luyện nào đó có
khả năng "làm chủ" được tiếng đàn của mình. Chất lượng của cây đàn
cũng phải đạt tới một mức trung bình nào đó...
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khía cạnh "kỹ thuật" của
tiếng hát tiếng đàn hay, mới chỉ là các vỏ ngoài, cái phương tiện để chuyển đạt
cái ruột bên trong, cái nội dung, cái "hồn" của bản nhạc.
3- Tiếng đàn, tiếng hát có hồn : Đó là tiếng hát tiếng đàn
diễn tả được những tình ý trong bản nhạc gần như hoặc có khi hơn điều tác giả
mong muốn.
a. Mọi người, dù không có giọng tốt, nhưng vẫn có khả năng
diễn tả được điều mình muốn nói. Nghĩa là hầu như ai cũng có thể hát có hồn,
miễn là họ biết và hiểu điều mình muốn diễn tả. Do đó, Cộng đoàn dân Chúa vẫn
có thể hát có hồn, nếu được người điều khiển cộng đoàn hướng dẫn và tập luyện
dần cho trong một mức độ nào đó.
b. Ca đoàn hoặc ban nhạc thì mức đòi hỏi cao hơn vì họ có
nhiều cơ hội tập luyện hơn. Nhưng trách nhiệm cuối cùng là nơi người ca trưởng.
c. Ca trưởng chịu trách nhiệm chuyên môn về khâu thể hiện,
nên cần phải học tập nhiều để có khả năng nắm bắt được cái hồn của bản nhạc, và
cũng có khả năng truyền đạt điều mình biết cho kẻ khác, và cuối cùng là khả
năng điều khiển việc thể hiện cho tốt đẹp.
4- Hát Đàn có kỹ thuật và có hồn là hai yếu tố bổ túc cho
nhau làm cho Đàn hát có nghệ thuật. Nhưng yếu tố cơ bản là hát có hồn, hát có
tâm tình, mà hầu như mọi người đều có thể phần nào đạt tới. Điều tối thiểu mà
PV đòi hỏi là mỗi tín hữu sống lời kinh mình đọc, và diễn tả ra bằng lời ca
tiếng đàn đức tin sống động của mình trong từng hoàn cảnh phụng vụ : "Thật
không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ, mà toàn
thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng
hát" (HTTN 1967 số 16).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét