Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Đệm đàn thánh ca: Người Việt nghĩ gì về việc đệm đàn trong phụng vụ?

Đệm Đàn Trong Phụng Vụ


Là một Ca Trưởng "Việt kiều", sau khi đọc bài viết của cha Đỗ Xuân Quế "Suy Nghĩ Về Việc Ca Hát Trong Nhà Thờ" với đoạn văn dưới đây khiến ai cũng thấy nhột nhột!:

" Nếu ai có dịp tham dự các Thánh lễ ở Âu Mỹ, trong các nhà thờ có Việt kiều và người bản xứ hát, chắc hẳn sẽ thấy có sự khác biệt lớn. Khác biệt ở chỗ này là khác với điều người ta vẫn thường nghĩ là người bản xứ phải hát những loại nhạc mới thời thượng bây giờ, nhưng ngược lại, họ lại hát loại nhạc nghiêm trang đứng đắn của nhà thờ, còn Việt kiều mình thì lại hát những loại nhạc náo động ồn ào, thích hợp cho những tụ điểm ca hát ngoài trời hơn là trong nơi thờ phượng. Nhạc của họ cũng mới nhưng vẫn giữ được cung cách riêng của loại nhạc thờ phượng trong tôn giáo tuân theo các kỷ luật hiện hành của Giáo hội."


Ban Thánh Nhạc thành phố HCM trong bài "Tình Hình Thánh Nhạc Hiện Nay", khi nói về mặt tiêu cực của Thánh Nhạc Việt Nam hiện tại, đã viết:

" Về ban nhạc, nhiều nơi còn sử dụng dàn nhạc kích động, không trình tấu những bản có phối dàn nhạc nghiêm chỉnh mà chỉ biết trình tấu theo những vũ điệu kích động trên sân khấu, vũ trường : điệu Valse, Slow, Boléro, Tango, Agogo, Twist, Surf... Điều này không phù hợp với những chỉ thị của Hội thánh."

Nhạc trưởng Thiên Quang, hiện đang cư ngụ tại San Diego, trong bài "Một Thoáng Nhìn Về Thánh Nhạc Việt Nam", đã viết:

"... Cụ thể, tại một nhà thờ VN hải ngoại, thánh lễ hôm đó có rất nhiều người tham dự; không cần quan sát tỉ mỉ, người tham dự thánh lễ nhận ra ngay được sự trang hoàng rất trang trọng trên cung thánh... Thánh lễ bắt đầu, tiếng trống, đàn điện tử vang lên rất ồn ào, hết chắt bùng bùng này, lại đến chắt bùng bùng kia, cộng thêm giọng hát của ca đoàn làm mọi người chia trí! Thú thật, người không am tường về nhạc cũng có thể nhận ra được trống đi một nơi, đàn đi một nẻo và ca đoàn mạnh ai người nấy hát, ít người hiểu được ca đoàn hát những gì..! Phải chăng người ca trưởng đó coi thường thánh nhạc trong Phụng vụ? Cho nên mới điều khiển ca đoàn một cách thoải mái và thiếu nghiêm trang như vậy?! Nếu thánh nhạc trong Phụng vụ được trình bày một cách cẩu thả như vừa kể, đó không phải là sự chia trí cho người tham dự thánh lễ hay sao? Một nhạc sĩ VN, đã thành danh và không phải là người Công Giáo, từ lâu rất mến mộ thánh nhạc VN; gần đây ông đã nhận định như sau: "Trong những thập niên qua, âm nhạc đạo Công Giáo đã mất đi phần nào bản chất của mình khi biến thành nhạc đời. Từ trước tới nay, người ta vẫn thấy có 2 dòng nhạc tại VN, nhạc đời và nhạc đạo. Nhưng trong những năm tháng vừa qua, chỉ còn lại có dòng nhạc đời và dòng nhạc đời mang lời đạo mà thôi". (Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, tháng 8 năm 2001 trang 7).

Trong bài này cũng trích đoạn bài viết của LM Dao Kim như sau:


"Tại nhiều nơi, có rất nhiều người giỏi nhạc, nhưng không biết gì về Phụng Vụ. Họ là những nhạc sĩ có tầm vóc trên cây đàn, nhưng thật ấu trĩ về Phụng Vụ. Và ngay cả nhiều vị có trách nhiệm với cộng đoàn cũng thờ ơ trong lãnh vực này. Nói cách khác, có nhiều người rất sốt sắng, đầy nhiệt huyết, có kiến thức về âm nhạc, nhưng tiếc thay, lại thiếu cái nhìn về Phụng Vụ và quan điểm Thánh Kinh của Giáo Hội trong việc phung tự".

Vậy, đánh đàn trong phụng vụ như thế nào là đúng? Nguyên tắc để đệm đàn là như thế nào, chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết sau?

1 nhận xét: