62. Các nhạc khí có thể rất hữu ích
trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ, hoặc đệm theo tiếng hát,hoặc chơi
riêng một mình.
Trong Hội Thánh La-tinh, đại quản cầm có ống rất được quý
chuộng và được coi như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy
hoàng kỳ diệu cho những nghi lễ của Hội Thánh, và có sức mãnh liệt nâng các tâm
hồn lên cùng Thiên Chúa và lên trời.
Còn những nhạc khí khác, thì tùy theo sự xét đoán và chấp
thuận của thẩm quyền địa phương, có thể được dùng trong việc thờ phượng, tùy
như chúng thích hợp hay có thể thích hợp được để dùng vào việc thánh với công
dụng thiêng thánh, hay hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, và thực sự giúp cho
các tín hữu sốt sắng hơn.(41)
63. Muốn thừa nhận và sử dụng các
nhạc khí, phải để ý đến nét đặc sắc và tập quán của mỗi dân tộc. Những nhạc khí
nào, mà theo ý kiến chung, và cách sử dụng thông thường, chỉ hợp với nhạc đời,
thì phải loại trừ ra khỏi mọi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện.
(42)
Mọi nhạc khí được thừa nhận trong việc thờ phượng phải sử
dụng thế nào cho hợp với các đòi hỏi của lễ nghi phụng vụ, và làm cho việc thờ
phượng nên tốt đẹp cũng như giúp các tín hữu thêm lòng đạo đức.
64. Nên dùng nhạc khí để đệm theo
tiếng hát hầu giữ cho giọng khỏi xuống, và giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng
hơn, cũng như hợp nhất với nhau mật thiết hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí
không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc
khí đều phải im tiếng khi linh mục hay một thừa tách viên đọc cao giọng một bản
văn được dành riêng cho các vị ấy.
65. Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có
thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận
để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi
linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Có thể
áp dụng cùng một qui cách đó, thích nghi cho hợp trong các buổi cử hành thiêng
thánh khác.
66. Không dược phép độc tấu các nhạc
khí đó trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong Tuần Tam Nhật Vượt Qua, và trong giờ
Kinh Lễ Cầu Hồn.
67. Mong sao các nhạc công đại quản
cầm và các nhạc khí khác, chẳng những sử dụng thành thạo nhạc khí, mà còn hiểu
biết sâu sắc tinh thần phụng vụ, để khi thi hành nhiệm vụ, dù chơi theo ngẫu
hứng, họ vẫn làm cho buổi cử hành thêm phong phú theo bản tính thực của mỗi yếu
tố và làm cho tín hữu say sưa tham dự.
Trích từ Thông Cáo Số I của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
[3] Từ lâu Giáo Hội vẫn quý trọng và đề cao việc dùng đại
phong cầm (cũng gọi là đàn ống) trong phụng vụ. Âm thanh của loại đàn này làm
tăng "vẻ huy hoàng cho các lễ nghi lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên
cùng Chúa và những sự trên trời." Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, ta
vẫn có thể dùng những nhạc cụ khác "Tùy theo sự phán đoán và phê chuẩn của
thẩm quyền địa phương, miễn là đã hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc Thánh,
xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của Thánh đường và thực sự giúp cảm hóa các tín
hữu" (PV số 120).
[4] Trong khi chờ đợi những quy định cụ thể của HĐGM, cần
lưu ý và thi hành ngay những điều sau đây:
a) Tiếng hát trong phụng vụ chiếm ưu thế nên luôn phải rõ
ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên "không bao giờ được lấn át
tiếng hát" (Tự sắc Tra le Sollecitudini, số 16). Không được vuốt tay trên
các phím đàn, nhất là organ và piano.
b) Chúng ta có thể dùng organ điện tử (synthesizer) trong
phụng vụ, nhưng:
-những nút "điệu" chỉ nhắm dùng cho sinh hoạt đời.
Do đó, không nên dùng trong phụng vụ. Tuy nhiên, có thể dùng lúc luyện tập để
quen giữ đúng nhịp.
-phải lựa chọn các nút âm thanh thích hợp với Thánh ca (ví
dụ organ, violin...), tránh dùng những âm thanh xa lạ với phượng tự vì sẽ gây
chia trí hơn là giúp cầu nguyện.
-khi xử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitare, dàn
trống, dàn kèn, dàn nhạc hoà tấu... không được dùng các điệu Jazz và các điệu
phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ 1. Vì các điệu này
hầu hết đều có tính cách kích động, huyên náo... có thể thích hợp với các sinh
hoạt khác nhưng bất xứng với nơi thánh.
-các hội kèn đồng (kèn tây) khi dùng trong phụng vụ hoặc
trong các cuộc rước có liên quan, không được hoà tấu những bản nhạc đời, nhạc
thời trang...
-tránh dùng các nhạc cụ đặt trong nhà thờ để luyện tập các
bản đời. Thật không hay gì khi qua một nhà thờ mà từ trong nghe vọng ra những
bài Valse, những "lá thư tình," "dưới ánh trăng," hay
"love story"...
Kết luận:
Trích Người Trẻ Hát Nhạc Thánh Ca Vào Đời (Nguyễn Văn Thông)
Những lời khen chê không đúng thường làm lạc lối những người
trẻ đang cần sự hướng-dẫn. Ca-trưởng và ca-đoàn cần phải biết nghe lời khen
chê, nhưng người có trách-nhiệm cũng rất cần sự ý-thức xây-dựng trong lời
phê-bình của mình. Không phải khen bao giờ cũng là xây-dựng. Khen sai có
tác-dụng phá-hoại. Câu khen phiến-diện hay mơ-hồ nói cho người nhận kém
tinh-tế, đang cần danh-vọng cũng có tác-dụng đẩy người đó xuống hố. Trong
thánh-ca khi một ca-trưởng làm đúng thì đưa cả cộng-đoàn đến nguồn ơn lành của
cầu-nguyện và phụng-vụ. Nhưng khi anh ấy, cô ấy nhận-định sai, làm sai thì cả
cộng-đoàn bị thiệt-hại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét