Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

ĐÀN HÁT THẾ NÀO TRONG PHỤNG VỤ (PHẦN 1)

 ĐÀN HÁT THẾ NÀO TRONG PV ?
 

Việc thể hiện âm nhạc trong PV cần bảo đảm được các yêu cần sau :

A) Tính thông đạt của lời ca :


Trong PV lời ca là chính, cũng như trường hợp chung của các ca khúc, nên lời ca cần được đến tai người nghe một cách rõ ràng để họ có thể hiểu được ý nghĩa lời ca. Đây là một đòi hỏi gắt gao được lặp đi lặp lại trong nhiều văn kiện của Giáo hội về Thánh nhạc (HTTN 64, QCTQ 18...). Công đồng Trento cũng đã nói: "Thánh nhạc khác với nhạc đời ở chỗ khi hát lên, lời ca phải được nghe và hiểu rõ ràng, chứ không bị dòng nhạc lấn át. Có nhiều nguyên nhân làm mất tính thông đạt :

1- CT chọn những bài hát tự nó rối lời trẹo dấu : lỗi của người soạn nhạc và nhất là của người chọn bài.

2- Cách phát âm chưa "tròn vành rõ chữ" khiến người nghe khó nhận ra tiếng gì, nghĩa gì. Hoặc do thiếu tập luyện, chưa thuộc bài, chưa hiểu ý tưởng của bài hát... do lỗi của người trình tấu.

3- Cũng có thể thông đạt kém do phượng tiện khuyếch đại âm thanh chưa hoàn chỉnh hoặc kém chất lượng (micro, ampli, loa, điện...), người sử dụng không biết gì về âm nhạc... Cần có người chuyên trách về âm thanh mà đồng thời cũng nắm được những gì ca đoàn và cộng đoàn sẽ hát trong buổi lễ.


4- Lối đệm đàn phô trương, lấn át tiếng hát, làm cho lời ca không nghe rõ, hoặc trở nên khó hiểu (HTTN 64). Đàn quản cầm cũng ví như một ca đoàn, mà CT cũng phải lưu tâm để cho tiếng đàn đóng đúng chức năng "nâng đỡ và tô điểm" của mình khi đệm cho ca hát, ban nhạc cũng vậy.



B) Tính thánh thiện của âm nhạc trong Phụng vụ


Không phải chỉ người soạn nhạc, mà cả người thể hiện cũng phải lưu tâm đến tích cách này.

1- Về mặt tiêu cực : tránh những biểu hiện nhạc đời trong PV. Giáo Hội từ đầu muốn dành riêng cho Chúa một lối Phụng tự "trong tinh thần và chân lý", với một thứ âm nhạc không lây nhiễm âm nhạc của ngoại giáo và cả Do thái giáo nữa, để người tín hữu thời đó thấy được sự khác biệt giữa Ki-tô giáo và các tôn giáo khác (xem "Le chant liturgique après Vatican 2", tr.19...). Từ đó có một ưu tư chính đáng loại trừ khỏi PV những bài hát mang tính thế tục, những nhạc khí nào đã dành riêng cho một vị thần ngoại giáo... Dần dà tiến đến sự đối lập giữa đạo và đời, giữa thánh thiêng và trần tục. Công đồng Trentô đã cấm sử dụng những điệu nhạc uỷ mị, những điệu đi săn, điệu nhạc xuất trận... Nhưng với thời gian, khái niệm về thánh thiêng và trần tục cũng đang thay đổi, nên cũng có đổi thay trong cách dung nạp vào PV một số loại nhạc (như nhạc đạo bình dân, nhạc đa âm đa điệu tân thời...) hay một số nhạc khí (trước đây chỉ có quản cầm hoặc phong cầm). Dù sao vẫn còn có một nguyên tắc thực tiễn là không nên dùng những loại nhạc, điệu nhạc, nhạc khí, hay phong cách thể hiện có liên hệ mật thiết tới một sinh hoạt thế tục mà môi trường xã hội đương thời đánh giá như một sinh hoạt vô đạo, phóng túng về đạo đức luân lý (Chẳng hạn các điệu khiêu vũ, phòng trà... các kiểu hát phô trương chất giọng, rên rỉ, uỷ mị, ướt át...). Làm sao cho sinh hoạt tôn giáo không lây nhiễm bầu khí của các rạp hát, sân khấu, các tụ điểm ca nhạc giải trí...

2- Về mặt tích cực : Công đồng Vatican 2 đã nêu lên một nguyên tắc tích cực chi phối nền âm nhạc trong PV về nhiều mặt :

"...Âm nhạc Thánh càng gắn liền chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu..."

Từ nay, âm nhạc càng đóng vai trò của mình trong từng nghi thức, nghi lễ, trong từng diễn tiến nhất định của buổi lễ, thì càng được đánh giá là thánh thiện. Có thể nói, không còn loại nhạc nào tự nó được gọi là thánh. Nhưng chỉ có tính thánh thiện thực sự khi thể hiện nó cụ thể trong một hoàn cảnh phụng vụ nhất định nào đó, qua đó nó làm trọn phận vụ thừa tác của mình.

a. Trong PV, có những "Ngữ điệu" (actes de parole, xem Universa Laus 7,3 tr.16) khác nhau như công bố, suy niệm, xướng vịnh, ngợi ca, tung hô, đối đáp... thì nhạc càng phù hợp để thể hiện các ngữ điệu đó bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu (xem QCTQ 18).

b. Trong PV cũng có những "khoảng thời gian nghi thức" (moments rituels, xem Univeras Laus 7,3) khác nhau như phần mở đầu, các cuộc tiến rước, các lời khẩn cầu, các giây phút thinh lặng... thì nhạc càng phục vụ tốt cho những lúc đó thì càng thánh thiện.

Đối với mỗi phận vụ nêu trên, cần có một hình thức âm nhạc phù hợp (giai điệu, tiết tấu, nhịp độ (tempo), thể loại...) để làm cho nghi thức càng có ý nghĩa và càng hữu hiệu chừng nào hay chừng đó. Và người thể hiện cũng phải hiểu tính cách đó để diễn tấu cho xứng hợp. QCTQ số 7 đến số 73 đã đưa ra những chỉ dẫn khá tỉ mỉ về tính chất của mỗi phần trong Thánh lễ, và cách có thể ca hát như thế nào. Thông cáo 56/88 của Toà Tổng Giám Mục cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể dựa trên QCTQ và một số văn kiện khác liên quan đến âm nhạc trong PV.

Chẳng hạn sẽ không phù hợp nếu chúng ta diễn tấu thật long trọng Kinh Thương xót, mà lại chỉ đọc Kinh Vinh Danh (vì lý do mất thời giờ), hoặc chỉ hát một cách rời rạc, buồn bã; hoặc bài Thánh vịnh đáp ca quá sôi động, trong khi bài Ha-lê-lui-a lại quá thanh thản, trầm lặng,... Hoặc một bài Ca nhập lễ thiếu hào hứng phấn phởi, so với một bài ca dâng lễ kềnh càng, lê thê,...

Nguyên tắc tích cực này của Công đồng mở ra cho chúng ta một hướng đi mới, mà tất cả những gì đã được nói tới trước Công đồng đều phải được sáng soi, bổ túc hoặc huỷ bỏ dưới ánh sáng của nguyên tắc này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét